Dịch vụ chữ ký số vẫn nhiều bất cập

Ban Cơ yếu bị “làm ngơ”

Ứng dụng chữ ký số là một yếu tố không thể thiếu trong việc điện tử hoá các giao dịch hành chính của các cơ quan Nhà nước nhằm tiến tới xây dựng văn phòng điện tử, chính quyền điện tử. Theo quy định, các hoạt động giao dịch điện tử trong nội bộ cơ quan Nhà nước sẽ phải sử dụng chữ ký số chuyên dụng được cấp phát bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.

Thực tế thời gian qua, một số địa phương rất tích cực triển khai ứng dụng chữ ký số. Điển hình như tại Hội nghị quốc gia về chữ ký số cách đây ít lâu, đại diện UBND TP.HCM đã trình bày về hệ thống chứng thực chữ ký số (CKS) (CA) do UBND TP tự xây dựng để áp dụng chữ ký sốtrong các giao dịch hành chính nội bộ của địa phương.

Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng về quyết định ứng dụng chữ ký số phục vụ trao đổi hành chính giữa các cấp của thành phố kể từ ngày 15/9/2011.

Tuy nhiên, cả 2 “đầu tàu” này đều không sử dụng chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Với trường hợp TP.HCM thì khi trình bày tại Hội nghị nêu trên đã đề cập tới việc sẽ liên hệ với Ban Cơ yếu Chính phủ để có khả năng sẽ áp dụng chữ ký số chuyên dụng nhưng sau đó vẫn triển khai chữ ký số trong các giao dịch nội bộ mà không liên hệ gì với Ban Cơ yếu Chính phủ.

Còn Hà Nội, một nguồn tin cho biết lãnh đạo Thành phố đã quyết định mua sản phẩm “đóng” của doanh nghiệp về triển khai.

Được biết, Ban Cơ yếu Chính phủ đã có công văn gửi Hà Nội khuyến cáo về việc sử dụng chữ ký số chuyên dụng để tránh bất cập về sau. Bởi theo kế hoạch của Bộ TT&TT, thời gian tới, sẽ có 2 dự án lớn liên quan tới chữ ký số được triển khai trên phạm vi toàn quốc, đó là Hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Nhà nước (eDoc) và Hệ thống thư điện tử quốc gia (NEMAILS). Và các cơ quan Nhà nước sẽ sử dụng chữ ký số chuyên dụng của Ban Cơ yếu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Thế nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì sau khi đã “đổ tiền” đầu tư cho hệ thống chứng thực chữ ký số và các chữ ký số đã được sử dụng vào công việc thực tế, các địa phương sẽ khó có thể “quyết định lại” để chuyển sang sử dụng chữ ký số chuyên dụng. Chắc chắn những “quyết định lại” như thế sẽ vấp phải nhiều chỉ trích về sự “lãng phí” ngân sách.

Bất cập về quy định

Lý giải một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội không sử dụng chữ ký số chuyên dụng, ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết nếu muốn sử dụng chữ ký số chuyên dụng sẽ phải lên kế hoạch, lập dự án, duyệt dự án… Chờ đến khi được cấp phát chữ ký sốsẽ hơi lâu. Trong khi các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số sẵn sàng cung ứng theo nhu cầu triển khai ngay lập tức. “Việc ứng dụng CKS có tính cơ động cực kỳ cao mà cứ bị áp cơ chế cấp phát như hiện nay thì rất khó làm”, ông Bản nhấn mạnh.

Một điểm vướng nữa trong triển khai ứng dụng chữ ký số của các địa phương là chưa có quy định cụ thể về việc phân cấp quản lý, triển khai chữ ký số.

Lấy ví dụ ngay ở Hà Nội, ông Bản kiến nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cần sớm có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm, vai trò của các địa phương trong việc triển khai hạ tầng chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước. Hiện trong các văn bản của Nhà nước chỉ đề cập tới trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ, đầu mối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Còn ở cấp địa phương, chưa ai quy định rõ đầu mối triển khai ứng dụng chữ ký số là Sở Nội vụ hay Văn phòng UBND hay Sở TT&TT.

Hồi đáp kiến nghị này, ông Nguyễn Đăng Đào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Kỹ thuật Nghiệp vụ Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định: “Ban Cơ yếu Chính phủ không đi vào chuyện phân công trực tiếp ở các cấp phường xã. Đây là trách nhiệm của các địa phương. Cũng giống như các cơ quan Bộ, ngành, thì các địa phương cần có quy định riêng trong việc triển khai, áp dụng chữ ký số cho từng đối tượng một cách phù hợp”.

Ông Nguyễn Đăng Đào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Kỹ thuật Nghiệp vụ Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ

“Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ứng dụng thư điện tử và chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước (đang được Bộ TT&TT soạn thảo – PV) cần phải quy định rõ về việc các địa phương đầu tư ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử hành chính nội bộ. Tránh tình trạng các địa phương tự làm, rất tốn kém”.

Hiện tại ở Việt Nam đang triển khai 2 hệ thống chữ ký số, trong đó hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng là nơi cấp chứng thư số/ chữ ký số cho các giao dịch điện tử giữa cơ quan Chính phủ với người dân doanh nghiệp (G2C, G2B), còn hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dụng là nơi cấp phát chứng thư số cho các giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước với nhau (G2G). Theo Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số newca giá rẻ thì các cơ quan Nhà nước phải sử dụng chữ ký số chuyên dụng của Ban Cơ yếu Chính phủ trong các giao dịch hành chính nội bộ.

Rate this post

Trả lời