Chỉ thị 16 là gì?
Chỉ thị 16/CT-TTg được ban hành ngày 31/3/2020 quy định các địa phương nghiêm túc thực hiện theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang đồng thời khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. (1)
Chỉ thị này đồng thời yêu cầu người dân ở yên tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như khi cần phải mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu,… Làm việc tại nhà máy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, cơ sở sản xuất không bị đóng cửa, dừng hoạt động,…
Ngoài ra khi giao tiếp, người dân cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi trường học, bệnh viện, công sở và tại nơi công cộng. Chỉ thị 16/CT-TTg yêu cầu người dân ở yên tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết
Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, một số nội dung của Chỉ thị còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:
1. Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:
a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;
b) Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…
c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
2. Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:
a) Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế;
b) Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp;
c) Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động;
d) Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.
Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.
3. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.
Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16/CT-TTg.
4. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
5. Các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan, chủ động điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm phù hợp với các nội dung nêu trên; phối hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề vướng mắc phát sinh./.
TP.HCM sẽ áp dụng chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9-7-2021
TTO – TP.HCM sẽ áp dụng chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9-7, thời gian áp dụng 15 ngày. Người dân vẫn có thể ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết: mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ.
Chiều tối 7-7, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp công bố một số nội dung chỉ đạo quan trọng về công tác chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố đã vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại thành phố và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
Theo đó, khi một người mắc bệnh chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người; chủng biến thể Alpha có thể lây cho 7 người khác, thì chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.
Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch.
Do đó áp dụng chỉ thị số 16 của Thủ tướng 15 ngày trên địa bàn thành phố từ 0h ngày 9-7-2021.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện nay số ca nhiễm COVID-19 tại thành phố tăng nhanh, tuy nhiên nguồn lực của thành phố vẫn đảm bảo, vì vậy thành phố đề nghị người dân không cần tích trữ hàng hóa, không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống.
Người dân thành phố hãy tin tưởng, chung sức cùng lãnh đạo thành phố trong thời gian 15 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Phát huy tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch. Đồng thời ủng hộ, cảm thông khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội.
Ông Phong chia sẻ với những biện pháp được đưa ra trong chỉ thị 10, tiếp đây áp dụng biện pháp theo chỉ thị 16, nếu được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc thì ông tin rằng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.
UBND thành phố giao Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch tổ chức để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian thực hiện chỉ thị 16. Trong đó, tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch theo quy trình 5 bước của thành phố (xác định các mốc dịch tễ; bộ phận điều phối truy vết; triển khai truy vết F1; rà soát và hoàn tất danh sách F1; tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm).
Thành lập 22 đội truy vết dịch bệnh, mỗi đội từ 10-30 người tùy theo mức nguy cơ của từng địa phương và giao quyền chỉ đạo đội truy vết này cho các địa phương.
Tăng cường năng lực xét nghiệm, hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu toàn thành phố. Phát huy hiệu quả Trung tâm Điều phối xét nghiệm của thành phố và Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch.
Đồng thời, thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động vừa cách ly, vừa sản xuất.
Bên cạnh đó, UBND thành phố yêu cầu triển khai kế hoạch điều trị 10.000-20.000 ca nhiễm, theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế (cấp không triệu chứng, cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình và cấp điều trị bệnh nhân nặng).
Triển khai các giải pháp khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện trường hợp nhiễm.
Về hàng hóa, hiện nay thành phố đã tạm ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) và một số chợ truyền thống để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố vẫn được duy trì ổn định.
Thành phố giao Sở Công thương đẩy mạnh tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh…), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng…
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, từ ngày 27-4 đến 18h ngày 6-7, thành phố ghi nhận 7.385 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, trong đó có 45 bệnh nhân tử vong.
Từ 6h ngày 6-7 đến 6h ngày 7-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố ghi nhận 1.693 trường hợp nhiễm, phần lớn là ở khu vực cách ly, khu phong tỏa, có 212 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 682 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.
Hiện đang điều trị 7.118 bệnh nhân dương tính mới. Có 335 bệnh nhân nặng tại 11 bệnh viện, trong đó có 8 trường hợp cần can thiệp ECMO.
Trước đó, từ 0h ngày 31-5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo chỉ thị 16.
Nhưng do TP.HCM xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng nên đến ngày 14-6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tiếp tục chỉ đạo giãn cách xã hội toàn địa bàn TP.HCM theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0h ngày 15-6 đến 0h ngày 29-6.
Đến ngày 19-6, UBND TP.HCM ban hành chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM; tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng… cho đến nay.